Tin sức khỏe
Tin ngành Đông y
Tin Lộc Xuân Đường
Phòng phong thảo
Phòng phong thảo, Hy kiểm, Thổ hoắc hương - Anisomeles indica (L.) O. Ktze (A. ovata R.Br. Epimeredi indica (L.) Rothm.), thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.
Cây thảo mọc hằng năm, cao 0,75-1,25m. Thân vuông có lông rậm mềm nhiều hay ít, nhất là ở đỉnh. Lá mọc đối, có cuống; phiến hình trái xoan nhọn, có lông mềm trên cả hai mặt, dài 7-15cm, rộng 3-6cm, mép khía răng cưa. Hoa hồng hay tím, thành cụm hoa ở nách lá gồm những vòng nhiều hoa rất sít nhau. Hạch hình trứng kéo dài, nhẵn.
Bộ phận dùng
Toàn cây - Herba Anisomelis Indicae.
Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở nước ta, cây mọc trên đất hoang ở nhiều nơi, chỗ ẩm mát. Thu hái toàn cây vào hè - thu, dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hóa học
Cây chứa tinh dầu.
Tính vị, tác dụng
Vị cay, đắng, tính hơi ấm, có hương thơm; có tác dụng khư phong phát biểu, tiêu viêm chống đau, tiêu tích trệ, hoà trung chỉ ẩu. Ở Ấn Ðộ cây được dùng xem như có tác dụng làm thông hơi, làm săn da và bổ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Ở Vân Nam dùng chữa cảm mạo, ho, viêm mũi mạn tính, kinh nguyệt quá nhiều, có thai nôn mửa, phong thấp đau xương, ngứa lở ngoài da. Còn được dùng chữa ngực bí bụng trướng, đau bụng nôn mửa, viêm dạ dày ruột, rắn độc cắn. Lá vò ra có mùi hôi của rệp, nhưng phụ nữ vẫn dùng cây nấu nước gội đầu. Rễ có thể dùng trị ỉa chảy sau khi sinh đẻ và cũng chữa rắn cắn. Dầu của cây trị được bệnh đau dạ con.
Đơn thuốc
- Cảm phong thấp, cảm cúm, phát sốt gai rét, không ra mồ hôi, đau mình, đau bụng, nôn mửa:30-40g nấu nước xông.
- Ngoài da nổi mẩn ngứa, eczema: 40-60g cây nấu nước xông rửa, và uống 1 bát khi thuốc nguội.
- Phong thấp thân thể đau nhức: Thân cành Phòng phong thảo khô và Dây đau xương đều 30g, sắc uống.
- Ăn không tiêu, đau bụng, đi ngoài sống phân: Phòng phong thảo 20g, Nghệ đen 8g, sắc uống.